...... ... .  . .  .  
CON  NGƯỜI  SAU  KHI  CHẾT  ĐI  VỀ  ĐÂU  ?

Trong Kinh Trung Bộ 1, Kinh Số 41, Kinh Saleyyaka, Đức Phật đã thuyết bài pháp như sau :

Như vầy tôi nghe. Một thời, Thế Tôn đang du hành trong nước Kosala với đại chúng Tỳ-kheo, và cuối cùng Ngài đi đến một làng của người Bà-la-môn thuộc Kosala tên là Sala.

Các gia chủ Bà-la-môn ở Sala nghe rằng: “Người ta nói Sa-môn Gotama, con trai của bộ tộc Thích ca (Sakya) đã xuất gia, hiện đang du hành trong nước Kosala với một đại chúng Tỳ-kheo, và đã đến Sala. Giờ đây tiếng đồn tốt đẹp về Tôn giả Gotama được truyền đi như sau :"Ngài là một bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn. Sau khi đã tự mình chứng đắc Chánh trí về thế giới này, cùng với chư Thiên, Ma Vương và Phạm Thiên, cùng với chúng Sa-môn, Bà-la-môn, cùng với các loài Trời và loài người, Ngài đã giải bày tri kiến ấy cho mọi người. Ngài đã thuyết giảng Giáo pháp tốt đẹp ở chặng đầu, tốt đẹp ở chặng giữa, tốt đẹp ở chặng cuối, với ý nghĩa và lời văn chân chánh, Ngài đã trình bày một đời sống phạm hạnh tuyệt đối viên mãn và thanh tịnh. Giờ đây, thật lành thay cho chúng ta để đến yết kiến vị A-la-hán ấy !".

Rồi những gia chủ Bà-la-môn ở làng Sala đi đến Thế Tôn. Một số người đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên; một số trao đổi lời chào hỏi, sau khi chào hỏi và nói lời thân hữu xã giao, họ ngồi xuống một bên; một số cúi chào Ngài rất cung kính và ngồi xuống một bên; một vài người giữ im lặng rồi ngồi xuống một bên.

Sau khi đã ngồi xuống, họ bạch Thế Tôn: “Thưa Tôn giả Gotama, do nhân gì và duyên gì mà một số chúng sanh ở đây, sau khi thân hoại mạng chung, phải tái sanh vào cõi khốn khổ, cõi dữ, vào đọa xứ, địa ngục ? Và do nhân gì duyên gì mà một số chúng sanh ở đây, sau khi thân hoại mạng chung, được tái sanh vào cõi tốt đẹp, Thiên giới ?”

- Này các gia chủ, do nhân hành xử sai trái, không đúng với Chánh pháp, mà một số chúng sanh ở đây, sau khi thân hoại mạng chung, phải tái sanh vào cõi khốn khổ, cõi dữ, đọa xứ, địa ngục ! Và do nhân hành xử chơn chánh, đúng với Chánh pháp, mà một số chúng sanh ở đây, sau khi thân hoại mạng chung, được tái sanh vào cõi tốt đẹp, Thiên giới !

- Chúng con không hiểu đầy đủ ý nghĩa của những lời Tôn giả Gotama thuyết giảng vắn tắt mà không giải thích chi tiết. Lành thay nếu Tôn giả Gotama thuyết giảng Giáo pháp cho chúng con để chúng con có thể hiểu đầy đủ chi tiết của lời Ngài dạy !

- Vậy thì, này các gia chủ, hãy chú tâm lắng nghe kỹ những lời Ta giảng.

- Thưa vâng, Tôn giả.

Các người Bà-la-môn vâng đáp Thế Tôn. Và Thế Tôn giảng như sau :

- Này các gia chủ, có ba loại hành xử sai trái về thân, không đúng với Chánh pháp. Có bốn loại hành xử sai trái về lời, không đúng với Chánh pháp. Có ba cách hành xử sai trái về ý, không đúng với Chánh pháp.

- Và này các gia chủ, thế nào là ba loại hành xử sai trái về thân, không đúng với Chánh pháp ? Ở đây, có người sát sanh; giết hại, tay vấy máu, đánh đấm và dùng bạo lực, tàn nhẫn đối với loài hữu tình. Người này lấy của không cho; trộm cắp tài sản của người khác trong làng hay trong rừng. Người ấy phạm tà dâm; giao hợp với những phụ nữ được cha mẹ che chở, những người có mẹ, cha, anh, chị em hay bà con che chở, những người có chồng, được luật pháp bảo vệ, và thậm chí với cả những người đã đính hôn. Như vậy là ba loại hành xử sai trái thuộc về thân, không theo đúng Chánh pháp.

- Và này các gia chủ, thế nào là bốn cách hành xử sai trái về lời, không đúng với Chánh pháp ? Ở đây, có người nói láo; khi được gọi hầu tòa, hay dự một buổi họp, hay đến chỗ có bà con thân quyến, hay đến các tổ hợp, hay đến trước mặt hoàng tộc, và được hỏi như một nhân chứng :"Này hiền giả, hãy nói những gì ông biết", và mặc dù người ấy không biết, vẫn nói là "Tôi biết", mặc dù có biết, người ấy nói : "Tôi không biết", dù không thấy, người ấy nói : "Tôi thấy", hoặc dù có thấy, người ấy nói :"Tôi không thấy", người ấy hoàn toàn biết rõ việc nói láo có chủ ý của mình, hay vì mục đích của người khác, hoặc vì một vài quyền lợi nhỏ nhen nào đó. Người ấy nói hai lưỡi; nghe điều gì ở chỗ này đến nói ở chỗ kia để gây chia rẽ những người này; nghe điều gì ở chỗ kia đến nói ở chỗ này để gây chia rẽ những người kia; như vậy, người ấy ly gián những người đang hòa hợp, là kẻ xúi giục ly gián, vui thú phá hòa hợp, ưa thích phá hòa hợp, khoái trá phá hòa hợp, là kẻ đưa ra những lời nói phá hòa hợp. Người ấy nói lời thô bạo; nói lời cộc cằn, nặng nề, làm tổn thương người khác, làm xúc phạm kẻ khác, đưa đến phẫn nộ, không đưa đến định tâm. Và người ấy nói những lời phù phiếm; nói vào thời điểm không thích hợp, nói lời sai sự thật, nói lời vô nghĩa, nói lời trái với Giáo pháp và Giới luật; vào thời điểm không thích hợp, người ấy nói những lời vô giá trị, vô lý, thái quá, không lợi ích. Như vậy là bốn cách hành xử sai trái về lời nói, không đúng với Chánh pháp.

- Và này các gia chủ, thế nào là ba loại hành xử sai trái về ý, không theo đúng Chánh pháp ? Ở đây, có người tham lam; người ấy tham muốn tài sản của người khác và nghĩ rằng :"Ôi, ước gì những tài sản của người khác trở thành của ta". Hoặc người ấy có tâm sân và những ý định hận thù như thế này : "Cầu mong những loài hữu tình này bị giết, bị sát hại, bị cắt đứt, bị tiêu diệt, không còn tồn tại !". Hoặc người ấy có tà kiến, có ý tưởng điên đảo như thế này :“Không có bố thí, không có kết quả bố thí, không có tế lễ, không có kết quả tế lễ; không có kết quả các hành vi thiện ác; không có đời này, không có đời sau; không có mẹ, không có cha; không có các loài hóa sanh; không có các Sa-môn, Bà-la-môn trong đời này đã tự mình thành tựu thắng trí và tuyên bố cho đời này và đời sau’’. Đó là ba loại hành xử sai trái về ý, không theo đúng Chánh pháp. Vì thế, này các gia chủ, chính vì cách hành xử sai trái về ý, không theo đúng Chánh pháp như vậy mà một số chúng sanh ở đây, sau khi thân hoại mạng chung, phải tái sanh vào cõi khốn khổ, cõi dữ, vào đọa xứ, địa ngục !

- Và này các gia chủ, có ba loại hành xử chơn chánh về thân, theo đúng Chánh pháp. Có bốn loại hành xử chơn chánh về lời, theo đúng Chánh pháp. Có ba loại hành xử chơn chánh về ý, theo đúng Chánh pháp.

- Và này các gia chủ, thế nào là ba loại hành xử chơn chánh về thân, theo đúng Chánh pháp ? Ở đây, có người từ bỏ sát sanh, từ bỏ hủy hoại mạng sống, dẹp bỏ roi và vũ khí, có lương tâm, có lòng thương xót, sống có lòng từ với tất cả chúng sanh. Từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ trộm cắp tài sản của người khác trong làng hay trong rừng. Từ bỏ tà dâm, tránh xa tà hạnh trong các dục, không giao hợp với những phụ nữ được cha mẹ che chở, những người có mẹ, cha, anh, chị em hay bà con che chở, những người có chồng, được luật pháp bảo vệ, và thậm chí với cả những người đã đính hôn. Như vậy là ba loại hành xử chơn chánh về thân, theo đúng Chánh pháp.

- Và này các gia chủ, thế nào là bốn loại hành xử chơn chánh về lời, theo đúng Chánh pháp ? Ở đây, có người từ bỏ nói láo; không nói lời vọng ngữ; khi được gọi hầu tòa, hay dự một buổi họp, hay đến chỗ có bà con thân quyến, hay đến các tổ hợp, hay đến trước mặt hoàng tộc, và được hỏi như một nhân chứng :"Này hiền giả, hãy nói những gì ông biết", và vì không biết, người ấy nói là :"Tôi không biết"; và vì có biết, người ấy nói :"Tôi có biết"; vì không thấy, người ấy nói :"Tôi không thấy"; hoặc vì có thấy, người ấy nói :"Tôi có thấy". Người ấy hoàn toàn không biết nói láo vì mục đích riêng mình, hay vì mục đích của người khác, hoặc vì một vài quyền lợi nhỏ nhen nào đó. Người ấy từ bỏ nói hai lưỡi; không nói hai lưỡi; nghe điều gì ở chỗ này không đến nói ở chỗ kia để gây chia rẽ những người này; nghe điều gì ở chỗ kia không đến nói ở chỗ này để gây chia rẽ những người kia; như vậy, người ấy hòa hợp những người đang chia rẽ, là kẻ khuyến khích tình thân hữu, là người ưa thích hòa hợp, vui mừng trước sự hòa hợp, sung sướng trước sự hòa hợp, là kẻ đưa ra những lời nói cổ động cho sự hòa hợp. Người ấy từ bỏ nói lời thô bạo; không nói lời cộc cằn; người ấy nói những lời dịu dàng, êm tai, dễ thương, thấm tận trái tim, lễ độ, được nhiều người ưa thích, được nhiều người vui lòng. Và người ấy từ bỏ nói lời phù phiếm; nói đúng thời điểm thích hợp, nói lời đúng sự thật, nói lời tốt đẹp, nói đúng với Giáo pháp và Giới luật; vào thời điểm thích hợp, người ấy nói những lời đáng ghi nhận, hợp lý, dung hòa và lợi ích. Như vậy là bốn cách hành xử chơn chánh về lời nói, đúng với Chánh pháp.

- Và này các gia chủ, thế nào là ba loại hành xử chơn chánh về ý, theo đúng Chánh pháp ? Ở đây, có người không tham lam; người ấy không tham muốn tài sản của người khác và không nghĩ rằng :"Ôi, ước gì những tài sản của người khác trở thành của ta". Người ấy không có tâm sân và không có những ý định hận thù, người ấy nghĩ như thế này :"Cầu mong những loài hữu tình này sống không thù hận, khổ đau và lo âu. Cầu mong tất cả được sống hạnh phúc !". Người ấy có chánh kiến, có ý tưởng đúng đắn như thế này :"Có bố thí, có kết quả bố thí, có tế lễ, có kết quả tế lễ; có kết quả các hành vi thiện ác; có đời này, có đời sau; có mẹ, có cha; có các loài hóa sanh; có các Sa-môn, Bà-la-môn trong đời này đã tự mình thành tựu thắng trí và tuyên bố cho đời này và đời sau’’. Đó là ba loại hành xử chơn chánh về ý, theo đúng Chánh pháp. Vì thế, này các gia chủ, chính vì cách hành xử chơn chánh về ý, theo đúng Chánh pháp như vậy mà một số chúng sanh ở đây, sau khi thân hoại mạng chung, được tái sanh vào cõi tốt đẹp, thậm chí còn được tái sanh vào Thiên giới !

- Này các gia chủ, nếu một người luôn hành xử chơn chánh, theo đúng Chánh pháp, mong ước: "Ôi, cầu mong rằng sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, tôi được sanh vào gia đình giàu có sang trọng !". Điều có thể xảy ra là, sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, người ấy được sanh vào gia đình giàu có sang trọng. Vì sao vậy ? Bởi vì người ấy luôn hành xử chơn chánh, theo đúng Chánh pháp.

- Này các gia chủ, nếu một người luôn hành xử chơn chánh, theo đúng Chánh pháp, mong ước: "Ôi, cầu mong rằng sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, tôi được sanh vào gia đình Bà-la-môn đại phú ! ... vào gia đình các đại phú gia !". Điều có thể xảy ra là, sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, người ấy được sanh vào gia đình Bà-la-môn đại phú ! ... vào gia đình các đại phú gia !". Vì sao vậy ? Bởi vì người ấy luôn hành xử chơn chánh, theo đúng Chánh pháp.

- Này các gia chủ, nếu một người luôn hành xử chơn chánh, theo đúng Chánh pháp, mong ước: "Ôi, cầu mong rằng sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, tôi được làm bạn với chư Thiên trong cõi Trời Tứ Thiên Vương !... chư Thiên trong cõi Trời Đao Lợi… chư Thiên cõi Trời Dạ-Ma… chư Thiên cõi Trời Đâu-Suất… chư Thiên cõi Hóa Lạc, chư Thiên cõi Tha Hóa Tự Tại… chư Thiên cõi Phạm Chúng,… chư Thiên cõi Quang Minh Thiên... chư Thiên cõi Thiểu Quang Thiên… chư Thiên cõi Vô Lượng Quang Thiên… chư Thiên cõi Quang Âm Thiên… chư Thiên cõi Tịnh Thiên… chư Thiên cõi Thiểu Tịnh Thiên… chư Thiên cõi Vô Lượng Tịnh Thiên… chư Thiên cõi Biến Tịnh Thiên... chư Thiên cõi Quảng Quả Thiên... chư Thiên cõi Vô Phiền Thiên… chư Thiên cõi Vô Nhiệt Thiên... chư Thiên cõi Thiện Hiện Thiên... chư Thiên cõi Thiện Kiến Thiên... chư Thiên cõi Sắc Cứu Cánh Thiên... chư Thiên cõi Không Vô Biên Xứ Thiên... chư Thiên cõi Thức Vô Biên Xứ Thiên... chư Thiên cõi Vô Sở Hữu Xứ Thiên... chư Thiên cõi Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên !". Điều có thể xảy ra là, sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, người ấy sẽ được tái sanh và làm bạn với chư Thiên cõi Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên. Vì sao vậy ? Bởi vì người ấy luôn hành xử chơn chánh, theo đúng Chánh pháp.

- Này các gia chủ, nếu một người luôn hành xử chơn chánh, theo đúng Chánh pháp, mong ước: "Ôi, bằng cách tự mình thực chứng với thắng trí, cầu mong ngay trong đời này, tôi được an trú trong tâm giải thoát, tuệ giải thoát, không còn các lậu hoặc, với sự đoạn diệt các lậu hoặc". Điều có thể xảy ra là, bằng cách tự mình thực chứng với thắng trí, ngay trong đời này, người ấy được an trú trong tâm giải thoát, tuệ giải thoát, không còn các lậu hoặc, với sự đoạn diệt các lậu hoặc, được giải thoát sanh tử ! Vì sao vậy ? Bởi vì người ấy luôn hành xử chơn chánh, theo đúng Chánh pháp.

Khi nghe Thế Tôn nói như vậy, các gia chủ Bà-la-môn bạch Thế Tôn :“Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama ! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama ! Tôn giả Gotama đã làm sáng tỏ Chánh pháp bằng nhiều phương tiện, như thể Ngài đã dựng đứng lại những gì đã bị ngã xuống, phơi bày những gì bị che giấu, chỉ đường cho kẻ bị lạc đường, giơ cao ngọn đèn trong bóng tối để cho những ai có mắt có thể thấy sắc. Nay chúng con xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp, quy y Tăng. Mong Tôn Giả Gotama nhận chúng con làm đệ tử tại gia, từ nay cho đến mạng chung, chúng con xin trọn đời quy y theo Ngài !”.

TRUYỆN  TRONG  KINH  BÁCH  DỤ

Đức Phật trong bốn mươi chín năm hoằng dương chánh pháp, Ngài tùy theo căn cơ chúng sanh sai khác mà nói ra vô lượng Pháp môn không đồng, khi nói thấp, khi nói cao, từ dễ lần đến khó, đem gần tỉ dụ xa ... Chung qui chỉ hướng về một mục đích duy nhất là làm cho chúng sanh tự giác ngộ bản tánh sáng suốt của mình ! ... Trong Kinh Bách Dụ, Đức Phật đã dùng những chuyện xưa để thí dụ cho những mê lầm chung của chúng ta (những người con Phật). Nếu chúng ta biết trừ bỏ những mê lầm nơi đây thì Niết-Bàn sẽ hiện tiền ngay đó ! Dưới đây là những truyện mà Đạo Hữu xem qua thấy rất là hay và tâm đắc muốn giới thiệu cho mọi người xem :

 

+ LÃO SƯ BỊ HÀNH HẠ

 

Thuở xưa có một lão sư có hai người đệ tử theo hầu, vì chân ông có bịnh không duỗi ra được, thường thường chóng nạng đi, ông nhờ hai người đệ tử ấy đấm bóp hai chân ông. Nhưng thường ngày hai đệ tử này không hòa thuận với nhau. Người nào cũng nói : "Không phải ta chán ghét ngươi, mà chính là ngươi chán ghét ta !".

Hai người coi nhau như oan gia nghiệp báo !

Hôm nọ, một người có việc đi nơi khác, người ở lại nhà bèn dùng đá đập gãy cái chân lão sư mà người đệ tử đi vắng thường ngày xoa bóp. Khi người kia trở về, thấy vậy phi thường phẩn nộ, định tâm báo thù, lập tức dùng đá đập gãy cái chân còn lại của lão sư mà người kia ở nhà thường hay đấm bóp, khiến cho vị lão sư gãy mất cả hai chân !

*** Chuyện nầy tỉ dụ : Người tu học Phật pháp thường có tình trạng nầy: Phái Đại thừa bài xích Tiểu thừa, hoặc giả Tiểu thừa chê bai Đại thừa, hoặc Tông phái này vô cớ phản đối Tông phái kia ... Phật tử tranh chấp như thế, chính là tự tay mình đem Kinh giáo của Phật hủy diệt hết !

 

+ ĐẦU RẮN VÀ ĐUÔI RẮN TRANH CÃI

 

Một hôm nọ, đầu rắn và đuôi rắn sanh ra tranh chấp lẫn nhau.

Đuôi rắn nói: - Hôm nay để ta đi trước.

Đầu rắn trả lời: - Thường thường ta đi trước, tại sao nay ngươi đòi đi ngược như vậy ?

Đầu rắn và đuôi rắn điều nhận thuyết của mình có lý hơn, tranh chấp với nhau mãi. Rốt cuộc đầu rắn chuyển mình đi trước, đuôi rắn bèn quấn chặt vào thân cây không nhả, đầu rắn đi không được, đành phải nhường cho đuôi rắn đi trước mình. Nhân vì đuôi rắn không có mắt nên chạy lui vào hầm lửa bên đường, làm cho toàn thân rắn đều bị cháy thui trong lửa !

*** Chuyện nầy tỉ dụ : Thầy trò phải kính mến lẫn nhau, có một số người đệ tử chê thầy già cả lẫn lộn, muốn giành quyền lãnh đạo của thầy, không tôn kính bực sư trưởng. Nhưng vì đệ tử tuổi còn nhỏ, không có kinh nghiệm, không tôn trọng kỷ luật, quy điều, ra làm việc thường hay lầm lạc, nên thường bị thất bại nặng nề. Chính mình phải chịu sự đại tổn thất !

 

+ NGƯỜI NGHÈO

 

Thuở xưa có một người nghèo làm lụng vất vả, để dành được một ít tiền, xem thấy người giàu khác trong tâm tưởng rằng :

- Tiền của ta phải cho nhiều mới cùng người nhà giàu kia so sánh được. Nếu phải đem ra so sánh thì thật là thua xa, do đó y buồn bã thất vọng, muốn đem số tiền ít oi của mình đã có ném xuống sông.

Người chung quanh thấy thế can rằng :

- Tiền của anh tuy rất ít, nhưng có thể nuôi sống được anh bao nhiêu ngày. Nếu anh quăng xuống nước hết, chẳng phải là một xu cũng không còn không ?

*** Chuyện nầy tỉ dụ : Trong hàng tăng chúng xuất gia, thấy các Đại đức, Thượng toạ được người cúng dường nồng hậu, còn mình thì được ít, lợi dưỡng không bằng các Đại đức kia, chẳng những tự mình không chịu gắng gổ tinh tấn tu học, mà lại nhân tài đức lợi dưỡng không bằng, rồi muốn bỏ đạo không tu, thật là hành động trái ngược !

 

+ CHE DA LẠC ĐÀ

 

Thuở xưa có người thương gia cùng hai đệ tử dắt con lạc đà ra xứ ngoài tìm kế sanh sống, đem theo một ít hàng lụa quý giá vô song và mùng mền tốt đẹp tột bực; tất cả hàng hóa đều chở trên lưng con lạc đà. Đi được nửa đường con lạc đà chết, người thương gia bèn lột da lạc đà để lại, rồi sửa soạn đi trước, bảo hai người đệ tử ở lại xem chừng. Khi chia tay, ông căn dặn hai người đệ tử :

- Chúng con hãy chăm nom chút vật nầy cho kỹ lưỡng, hãy căng da con lạc đà ra đừng để nó ẩm ướt.
Sau khi người thương gia đi rồi, không bao lâu thì trời mưa rất lớn, hai người đệ tử sợ da lạc đà bị ướt, bèn đem hàng lụa quý giá và mùng mền tốt đẹp đậy lên. Rốt cuộc những hàng hóa quý giá đậy trên da lạc đà đều bị hư mục hết ! Giá của những hàng hóa quý giá đem so với giá tiền da lạc đà, đắt hơn gấp trăm ngàn lần, vậy mà không biết !

*** Chuyện nầy tỉ dụ : Người học Phật pháp, không chịu nghiêm trì tịnh giới, tu định, khai huệ mà chỉ một bề lo tu phước như làm việc từ thiện, bố thí, cúng dường v.v... Hành động như thế chỉ là bỏ gốc theo ngọn, không thể thoát ly sanh tử chứng quả Niết bàn ! Vì lẽ đó, Phật tử trước phải lo tinh nghiêm hộ trì giới luật, rồi sau mới tu tài thí và các hạnh lành, như hai người đệ tử của gã thương gia, phải trước lo giữ gìn những hàng hóa quý báu, rồi sau hãy gìn giữ da con lạc đà, như thế mới là hợp lẽ !

 

+ CHÓ VÀ CÂY

 

Thuở xưa có một con chó ngủ dưới gốc cây, thình lình có một trận gió thổi đến, cành cây gãy rớt trên lưng nó. Nó hoảng kinh chạy qua một chỗ trống khác nằm nghỉ, mắt vẫn nhắm, không thấy nhánh cây do cây gẫy đập vào lưng. Đến chiều vẫn còn ở tại đó nghỉ ngơi. Nhưng một lúc sau nó mở mắt ra ngó tứ phía, thấy xa xa có một trận gió thổi qua các hàng cây, làm cho cành lá không ngưng chuyển động. Nó tự nói một mình :"Cây gọi ta trở về chỗ cũ !". Thế rồi nó bon bon chạy về dưới gốc cây xưa nằm ngủ !

*** Chuyện nầy tỉ dụ : Người tu học Phật pháp, chí nguyện phải kiên quyết không dời đổi, không nên vì sư trưởng la rầy quở trách, liền muốn bỏ đi. Trong thời gian lìa thầy cách bạn gặp nhiều nghịch cảnh khổ tâm, rồi ăn năn muốn trở về thân cận với sư trưởng. Đi đi lại lại luống phí thời gian, thật là hành động sai lầm đáng thương xót !

 

Từ Bi của Đạo Phật là phải làm sao cho mọi người tỉnh giác , thì tất cả khổ đau theo đó mới chấm dứt ! Nếu chưa tỉnh giác , dù mình giúp thứ gì người ta cũng không thật sự hết khổ . Đó là trọng tâm của Đạo Phật ! ( Lời dạy của Thiền Sư Thích Thanh Từ )

Free Web Hosting