...... ... .  . .  .  

PHẬT PHÁP VIỆT NAM  -  PHẬT PHÁP VIỆT NAM

                 

Ý  NGHĨA  KINH  DIỆU  PHÁP  LIÊN  HOA

             GIẢI ĐỀ :                         

  • Diệu là mầu nhiệm không thể nghĩ bàn.

  • Pháp là phương tiện để đạt đến giác ngộ cuối cùng.

  • Liên Hoa (Hoa sen) biểu trưng cho sự trong sạch tinh khiết.

  • Kinh là lời Phật dạy.

        Diệu Pháp Liên Hoa là một đại pháp bất khả tư nghì, khai thị chúng sanh ngộ nhập Tri-Kiến-Phật.

        Tác dụng của Phật pháp là muốn chúng sanh đều được thành Phật để giải thoát cái khổ sanh tử, tự giác giác tha. Muốn đạt đến mục đích này thì phải thực hành đúng theo phương tiện của Phật dạy trong kinh, nhưng người đời nay có một số cho đọc tụng là trì kinh, một số thì chỉ nghiên cứu Phật học để thêm kiến giải mà không chú trọng sự thực hành thành ra mất hết tác dụng của Phật pháp.

        Trích lục yếu chỉ kinh này là muốn giải quyết những cái khó kể trên một phần nào, khiến cho người đọc ở chỗ cao sâu mà nắm được căn bản, ở chỗ quảng đại mênh mông mà tìm được trung tâm, để thực hành đúng theo lời Phật dạy cho đến cứu kính thành Phật.

* PHẨM TỰA THỨ NHẤT :

        Khởi đầu buổi thuyết pháp Phật phóng hào quang từ lông trắng giữa chặng mày chiếu khắp tám nghìn cõi nước ở phương đông từ Trời Sắc Cứu Cánh đến cả xuống Địa ngục A Tỳ, báo hiệu điềm lành Phật sắp thuyết giảng kinh đại thừa :"Kinh Diệu Pháp Liên Hoa".

        "Phật phóng hào quang chiếu soi" là một triệu chứng tốt đẹp để báo cho biết Phật sẽ giảng đại pháp hy hữu xưa nay chưa từng có. Ý muốn tất cả chúng sanh đều biết kính trọng pháp. Do trọng pháp mới có đủ lòng tin, đủ lòng tin rồi mới quyết chí thực hành theo, để đạt đến giác ngộ cuối cùng, vĩnh viễn tự do tự tại.

        Dù như vậy mà trong hội này vẫn có một số tứ chúng năm ngàn người, vì chưa đủ lòng tin, nên nghe Phật sẽ giảng đại pháp mà lại bỏ đi. Phật cho đó là những kẻ kém phước, tăng thượng mạn.

* PHẨM PHƯƠNG TIỆN THỨ HAI :

        Phật muốn dùng phương tiện để chỉ cho chúng sanh :"Ngộ Nhập Tri Kiến Phật !"

        Theo căn bản của Phật pháp chỉ có một Phật thừa, nhưng theo phương tiện thì giảng ra vô lượng vô biên để thích ứng với căn cơ và trình độ của mọi chúng sanh.

  • Chúng sanh nào nghe được pháp này thì sẽ thành Phật.

  • Chúng sanh do nghe pháp (đọc tụng cũng như nghe pháp) mà tín giải là khai Phật tri kiến.

  • Do tín giải mà thọ trì (y theo chánh pháp thực hành) là thị Phật tri kiến.

  • Do thọ trì mà chứng đắc là ngộ Phật tri kiến.

  • Do chứng đắc mà thành đạo gọi là nhập Phật tri kiến.

  • Chẳng lập tất cả tri kiến gọi là Phật tri kiến.

* PHẨM THÍ DỤ THỨ BA :

        Phật muốn dùng phương tiện để dẫn dắt chúng sanh ra khỏi nhà lửa tam giới (Dục giới, Sắc giới & Vô sắc giới)

       * Đối với hàng Thanh Văn : giảng pháp Tứ Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) để chứng quả vị Thanh văn, thoát khỏi sanh già bệnh chết, rốt ráo Niết Bàn.

       * Đối với hàng Duyên Giác : giảng pháp Thập Nhị Nhân Duyên (Vô-minh, Hành, Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sanh, Tử) để chứng quả vị Duyên Giác.

       * Đối với hàng Bồ Tát : giảng pháp Lục Độ Ba La Mật (Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ) để chứng quả vị Bồ Tát.

        Chúng sanh ba thừa ở trong nhà lửa tam giới, cũng như con nít ham chơi, tham đắm ngũ dục tài lợi, không sợ cái khổ sanh lão bệnh tử, không chịu ra nhà lửa để tránh khỏi chết thiêu. Nên Phật phải dùng các phương tiện dối gạt (lời nói dối gạt là phương tiện để cứu độ chúng sanh nên không được coi là vọng ngữ) nói bên ngoài có đủ thứ đồ chơi, nào là xe dê, nào là xe hưu, nào là xe trâu. Hãy mau mau chạy ra mới được tùy ý lựa chọn món đồ chơi của mình ham thích. Khi tất cả được ra ngoài yên ổn rồi, Phật mới cho xe trâu trắng (Đại thừa).

        Ở đây chỉ rõ dù lời Phật nói có ba thừa nhưng kỳ thực chỉ có một Phật thừa mà thôi.

* PHẨM TÍN GIẢI THỨ TƯ :

        Nói về chàng cùng tử bỏ cha đi lang thang ở xứ người, sau mấy mươi năm trở về gặp lại người cha là trưởng giả giàu có trao hết cho gia tài sự sản. Phật tử chúng ta chính là gã cùng tử ở trên và ông trưởng giả giàu có kia chính là Phật vậy !

        Hàng Thinh Văn Duyên Giác, sau khi được nghe đại pháp chưa từng có và thấy Phật thọ ký Vô Thượng Bồ Đề cho Xá Lợi Phất mới biết trước kia được ít cho là đủ, tự cho đã được Niết Bàn, chẳng cầu tiến lên. Đối với đại thừa có vô lượng pháp tài để thành tựu cho chúng sanh mà tâm họ chẳng ham thích, cũng như cha là trưởng giả giàu sang mà con ruột lại bỏ đi ăn xin các nơi, cam chịu nghèo khổ. Dầu đã gặp cha ruột giàu sang nhưng không dám tin nhận, phải trải qua hai mươi năm lao nhọc hốt phẩn, mới phát hiện được tất cả tài sản kia thuộc về mình.

* PHẨM DƯỢC THẢO DỤ THỨ NĂM :

        Nói về một trận mưa pháp thấm nhuần cả Tam Thiên, Đại Thiên Thế Giới  lợi lạc cho tất cả chúng sanh muôn loài.

        Pháp vương phá chấp ra đời, theo tâm ý chúng sanh mà tùy nghi thuyết pháp. Diệu pháp khó hiểu khó biết vì tự tánh vô hình vô thanh, lời nói chẳng thể diễn tả, ý thức chẳng thể suy lường, kẻ có trí nghe rồi thì được tin, được hiểu. Kẻ vô trí nghe rồi vẫn còn nghi ngờ, nhưng cũng được gieo trồng thiện căn.

        Ví như mưa xuống khắp nơi, tất cả cây cối và dược thảo tùy theo căn tánh lãnh thọ thấm nhuần mà sanh trưởng.

        Như Lai thuyết pháp cũng vậy, một tướng, một vị, gọi là tướng giải thoát, tướng lìa, tướng diệt. Chúng sanh y theo lời dạy tu hành, cứu kính sẽ được kiến tánh thành Phật.

* PHẨM THỌ KÝ THỨ SÁU :

        Đức Phật thọ ký (Ấn Chứng) cho hàng đệ tử lớn như các ngài : Ma Ha Ca Diếp, Tu Bồ Đề, Đại Ca Chiên Diên, Đại Mục Kiền Liên ... thành Phật ở nhiều tiểu kiếp về sau.

        Ý của Phật ở phẩm này tỏ rõ rằng : tất cả đệ tử Phật, bất cứ thượng căn, trung căn, hạ căn chỉ cần đầy đủ lòng tin, thực hành theo đúng phương tiện của Phật dạy, cuối cùng tất cả đều sẽ được thọ ký thành Phật.

* PHẨM HÓA THÀNH DỤ THỨ BẢY :

        Phật muốn chỉ bảo cho chúng sanh biết pháp của Phật chỉ có một Phật thừa duy nhất mà thôi, chứ không có cái thứ hai thứ ba nào khác nhưng vì chúng sanh căn cơ hạ liệt không có chí tìm cầu giải thoát nên mới giảng giải một Phật thừa phân biệt nói thành ba : Thanh Văn Thừa, Duyên Giác Thừa, Bồ Tát Thừa.

        Mười sáu Vương Tử thành Phật ở mười phương thế giới để tỏ rõ "Phật Phật bất nhị". Chư Phật đều thuyết Kinh Pháp Hoa để tỏ rõ "Pháp pháp bất nhị".

        Hàng Thinh Văn Duyên Giác ham pháp tiểu thừa, chẳng tin đại thừa, nên Phật trước lập phương tiện nói Niết Bàn tiểu thừa để tâm họ được tạm yên ổn, rồi sau mới dạy pháp Bồ Tát, để đi đến chỗ cứu kính.

        Cũng như Đạo sư (Phật) dẫn dắt chúng tiểu thừa đi tìm châu báu vì muốn thuận theo ý của đại chúng nên mới biến hóa thành lớn để tạm nghỉ, sau mới khuyên chúng bỏ nơi "hóa thành" tiến tới nữa, đến nơi "Bảo Sở" (Quả Phật).

* PHẨM NGŨ BÁ ĐỆ TỬ THỌ KÝ THỨ TÁM :

        Phật thọ ký cho 500 vị A La Hán được thành Phật ở vị lai,  đồng một hiệu là Phổ Minh Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế tôn. Kế đó một vị A la Hán kể lại câu chuyện hạt châu trong chéo áo : Hàm ý nói rằng tất cả chúng sanh ai ai cũng đều có sẵn hạt minh châu quý trong người mà không hay không biết; nhân có thiện hữu tri thức chỉ bảo cho mới thấy; Đó chính là Phật tánh hay tánh giác thanh tịnh giải thoát của chính mình !

* PHẨM THỌ HỌC VÔ HỌC NHƠN KÝ THỨ CHÍN :

        Phật thọ ký cho Tôn Giả A Nan (Thị giả thọ trì tạng pháp) và La Hầu La (con trai của Phật) sau này sẽ được thành Phật. Sau đó Phật cũng thọ ký cho bậc Hữu học - Vô học 2.000 người sau này cũng được thành Phật hiệu là Bửu Tướng Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế tôn.

        Phẩm tám, phẩm chín cũng như phẩm sáu, thất chúng đệ tử cho đến Thiên Long Bát Bộ, kẻ hộ trì chánh pháp, chẳng kể thứ lớp tốt xấu, quả vị cao thấp, hữu học (thấp), vô học (cao), nếu được nghe một câu, một kệ của Kinh này cho đến một niệm tùy hỷ đều được thọ ký thành Phật. Vì gieo chánh nhân thì sẽ được chánh quả.

* PHẨM PHÁP SƯ THỨ MƯỜI :

        Phật tán thán người thọ trì tụng niệm Kinh Pháp Hoa & khuyên mọi người tôn kính, cúng dường người trì tụng kinh, giảng nói, biên chép kinh. Phật thuyết :"Nếu có người đặng nghe kinh điển này mới là hay khéo tu đạo Bồ Tát ! Nghe xong tin hiểu, thọ trì thì người đó đặng gần đạo Vô-Thượng Chánh-Đẳng Chánh-Giác !"... "Nếu chẳng có thể thấy nghe, đọc tụng, biên chép, thọ trì, cúng dường được Kinh Pháp Hoa này, phải biết người đó chưa khéo tu đạo Bồ Tát !"... Phật thuyết :"Người thiện nam, thiện nữ phải vào nhà Như-Lai, mặc y Như-Lai, ngồi tòa Như-Lai, rồi mới nên vì bốn chúng mà rộng nói kinh này ! Nhà Như-Lai chính là tâm từ bi lớn đối với trong tất cả chúng sanh; Y Như-Lai chính là lòng nhu hòa, nhẫn nhục; Tòa Như-Lai chính là nhứt thiết pháp không !"

        Phẩm này dạy rằng phải tôn trọng, tán thán, cung kính, cúng dường Pháp sư. Nhưng Pháp sư thuyết pháp cần phải hiểu rõ ý Phật, như nói :"Vào nhà Như-Lai" là tâm đại bi, "Mặc y Như-Lai" là tâm nhu hòa nhẫn nhục, "Ngồi tòa Như-Lai" là tất cả pháp Không (nghĩa là "có" "chẳng thực có", "không" "chẳng thực không", "chơn" "chẳng thực chơn", "vọng" "chẳng thật vọng", tất cả pháp đều chẳng thật gọi là tất cả pháp Không) rồi mới dùng tâm chẳng giải đãi vì tứ chúng thuyết pháp. Nếu chẳng hiểu rõ ý Phật mà tự ý vọng thuyết thì sẽ bị cái tội cuồng vọng thuyết pháp.

        Kinh Lăng Nghiêm có nói bốn thứ tội địa ngục :

  • Một là phá Phật luật nghi.

  • Hai là phỉ báng Đại Thừa.

  • Ba là cuồng vọng thuyết pháp.

  • Bốn là hư tiêu tín thí.

* PHẨM HIỆN BỬU THÁP THỨ MƯỜI MỘT :

        Nói về Đức Phật Đa Bảo có lời nguyện như vầy :"Nếu có nơi nào nói Kinh Pháp Hoa, thời tháp miếu của ta vì nghe kinh đó mà nổi ra nơi trước để làm chứng minh".(Tháp miếu đó chính là Bửu Tháp của Phật Đa Bửu)

        Bảo tháp từ dưới đất nổi lên. Bảo tháp dụ cho tự tánh. Đất dụ cho tâm địa. Đa Bảo dụ cho sức dụng của tự tánh vô lượng vô biên.

        Phật thuyết kinh này, chúng sanh nào nghe theo lời tu hành thì sức dụng của tự tánh tự nhiên từ nơi tâm địa hiện ra. Nhưng muốn thấy sức dụng của tự tánh trước tiên cần phải chứng ngộ tự tánh bất nhị. Cũng như Phật nói :"Phải đợi khi mười phương phân thân Phật tựu tập lại rồi, Phật Đa Bảo mới chịu hiện ra cho thấy". Vậy thì vô lượng phân thân chỉ là một Phật Thích Ca là để thị hiện sự bất nhị của tự tánh mà thôi.

        Đã được chứng ngộ thì vô biên diệu dụng tự hiện. Sự việc ba lần biến uế độ thành tịnh độ tức là tỏ bày diệu dụng của tự tánh.

        Bởi vì tự tánh vô hình, vô thanh, lời nói chẳng thể diễn tả, ý thức chẳng thể suy lường, là một pháp rất khó hiểu, khó tin, nên kinh nói : tất cả việc rất khó đều không khó bằng thuyết pháp này.

* PHẨM ĐỀ BÀ ĐẠT ĐA THỨ MƯỜI HAI :

        Phật kể lại chuyện nhiều đời nhiều kiếp về trước Ngài là 1 vị quốc vương vì muốn cầu pháp đại thừa nên mới nhờ 1 vị tiên nhơn chỉ dạy, nhưng vị tiên nhơn này lại hành hạ Ngài đủ điều ... Phật nói vị tiên nhơn đó nay chính là Đề Bà Đạt Đa và Phật cũng thọ ký cho Đề Bà Đạt Đa thành Phật ở đời vị lai hiệu là Thiên Vương Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế tôn. Trong pháp hội có Ngài Trí Tích hỏi Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát rằng :"Kinh này rất sâu vi diệu, là báu trong các kinh, trong đời rất ít có, vậy có chúng sanh nào siêng năng tinh tấn tu hành kinh này mau đặng thành Phật chăng ?" Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói :"Có con gái của Vua Rồng Ta Kiệt La. Đó chính là Long Nữ !" Khi đó Long Nữ liền tiến lên dâng hạt châu báu cúng dường Phật; Phật thọ nhận; ngay tức thì Long Nữ biến thành Phật trước sự kinh ngạc của cả pháp hội !

        Phẩm này chỉ rõ đại pháp khó gặp. Tiền thân Phật Thích Ca nhiều kiếp làm Quốc Vương, vì cầu đại pháp mà trải qua vô lượng khổ mới được gặp Thiện-tri-thức, nghe pháp, phụng trì cho đến thành Phật. Vì muốn phá trừ chấp trước của những kẻ chấp ngôn hại nghĩa, chấp thật thời gian và nghiệp chướng nên khai thị Long Nữ tám tuổi thành Phật, như vậy thì được biết chẳng phải do tu lâu và năm thứ chướng của người nữ cũng chẳng phải có nhứt định.

* PHẨM TRÌ THỨ MƯỜI BA :

        Các vị Bồ Tát và A La Hán có mặt trong pháp hội thệ nguyện rằng :"Sau khi Phật diệt độ, sẽ rộng nói, phụng trì đọc tụng Kinh Pháp Hoa này; Hoặc qua lại khắp mười phương thế giới hay khiến chúng sanh biên chép kinh này, thọ trì, đọc tụng, giải nói nghĩa đó, nghĩ nhớ chơn chánh, đúng như pháp mà tu hành !"

        Tất cả Đại Bồ Tát, A La Hán cho đến Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni đã được thọ ký rồi đều phát lời thệ trước Phật rằng :"Sau khi Phật nhập diệt sẽ hộ trì kinh này dù cho bị chúng sanh tàn ác khinh bỉ, chửi mắng, cho đến dùng dao gậy đánh đập, đều cam tâm nhẫn chịu mà khuyên họ biên chép thọ trì đọc tụng, giải thích nghĩa kinh, theo pháp tu hành".

      (Biên chép đọc tụng cũng như nghe Phật thuyết pháp, thọ trì tức là thực hành đúng như chánh pháp)

* PHẨM AN LẠC HẠNH THỨ MƯỜI BỐN :

        Phật bảo cho hàng Bồ Tát ở đời sau muốn thuyết giảng Kinh Pháp Hoa này phải trụ trong 4 pháp :

        + An trụ nơi "Hành Xứ" và "Thân Cận Xứ" của Bồ Tát : "Hành Xứ" là an trụ trong nhẫn nhục, hòa dịu, khéo thuận, không vụt chạc, lòng cũng chẳng kinh sợ. "Thân Cận Xứ" là chẳng gần gũi Vương tử, Đại thần, Quan trưởng, Ngoại đạo, Múa hát ca ngâm, Những kẻ hung hiểm, Hạng người sống với nghề ác v.v... mà phải thường ưa ngồi thiền ở chỗ vắng tu nhiếp tâm mình; phải quán sát "Nhứt Thiết Pháp Không" thấy tất cả đều là giả tướng, không thật.

        + Trụ nơi "Hạnh An Lạc" : trong lúc giảng Kinh không nên nói lỗi của người và của Kinh điển, chẳng khinh mạn các Pháp sư khác, không nên chê hay khen người khác.

        + Ở đời sau lúc pháp gần diệt nếu thọ trì đọc tụng kinh này chớ ôm lòng ganh ghét, chớ khinh mắng người học Phật đạo, vạch tìm chổ hay, dở của người ... mà phải xem Phật sanh tưởng như Cha lành, đối với Bồ Tát sanh tưởng là Bậc Đại Sư, với các Đại Bồ Tát ở mười phương phải thâm tâm lễ lạy, với tất cả chúng sanh phải bình đẳng nói pháp.

        + Lúc pháp gần diệt, nếu ai trì Kinh Pháp Hoa này ở hàng tại gia, xuất gia, phải sanh lòng từ bi lớn; vì người mà thuyết pháp, giảng giải cho được hiểu thông suốt. Ví như câu chuyện của Vua Chuyển Luân Thánh Vương lấy hạt minh châu trong buối tóc của mình đem cho người đã có công lớn đánh dẹp giặc ngoại xâm ... Đức Phật cũng như vậy ! Vì chúng sanh mà thuyết giảng Kinh Pháp Hoa này để khai thị cho chúng sanh ngộ nhập Tri kiến Phật !

       * Tư cách của người giảng Kinh này (cũng như các Kinh Đại-Thừa liễu nghĩa khác) cần phải an trụ nơi bốn pháp An-Lạc-Hạnh :

  • Đệ Nhất An-Lạc-Hạnh : An trụ nơi "Hành xứ" và "Thân cận xứ" của Bồ Tát. "Hành xứ" là phải nhu hòa nhẫn nhục tâm chẳng kinh sợ, quán các pháp như thực tướng (chẳng chấp thật), đối với các pháp đều vô-sở-hành, nghĩa là chẳng hành pháp năng sở, chẳng hành pháp phân biệt tương đối như nam nữ, hữu vô, v.v... chẳng hành pháp kiến văn giác tri, đối với các pháp đều vô-sở-đắc. "Thân cận xứ" là chẳng thân cận các quí tộc quan trưởng, các tà ma ngoại đạo, các kẻ dùng thế pháp lập ngôn viết sách, các kẻ ác đáp ác vấn, kẻ đùa giỡn hung dữ, kẻ thần bí biến hiện, kẻ chăn nuôi săn bắn giết hại. Những người kể trên hoặc khi có đến thì vì họ thuyết pháp mà chẳng có tâm hy vọng. Còn đối với người nữ thuyết pháp cần phải trang nghiêm chẳng sanh tưởng ái dục, thu nhiếp tâm ý, gọi là nơi "Thân cận xứ" đầu tiên. Quán tất cả pháp Không, vô danh vô tướng, phi sanh phi diệt, vô lượng vô biên, vô ngại vô chướng, hiểu rõ pháp sanh diệt do nhân duyên điên đảo mà hiện, gọi là "Thân cận xứ" thứ nhì.

  • Đệ Nhị An-Lạc-Hạnh : chẳng khinh mạn Pháp sư khác, chẳng nói thị phi tốt xấu hay dở của cá nhân, cũng chẳng chỉ tên khen ngợi, cũng không có tâm oán ghét; đối với kẻ nghe pháp chẳng nghịch ý họ, có người vấn nạn chẳng dùng pháp Tiểu thừa trả lời, chỉ dùng pháp Đại thừa giải thích để cho họ được Nhứt-Thiết Chủng-Trí.

  • Đệ Tam An-Lạc-Hạnh : chớ khinh bỉ chửi mắng kẻ học Phật và tìm hay dở của họ, đối với tứ chúng cầu pháp Tam thừa chẳng nên làm phiền não họ, cũng chẳng nên hý luận các pháp mà sanh ra tranh luận. Đối với chúng sanh khởi đại-bi-tưởng; đối với Như Lai khởi từ-phụ-tưởng; đối với Bồ Tát khởi đại-sư-tưởng. Vì thuận theo pháp mà bình đẳng thuyết pháp chẳng nhiều chẳng ít, dù kẻ ưa pháp cũng chẳng nói nhiều.

  • Đệ Tứ An-Lạc-Hạnh : đối với người tại gia, xuất gia, sanh đại từ tâm, đối với người chẳng phải Bồ-Tát (ở ngoài Đại thừa) sanh đại bi tâm. Hãy nghĩ rằng họ bị tổn thất lớn, đối với phương tiện thuyết pháp của Như Lai chẳng thấy, chẳng nghe, chẳng biết, chẳng hỏi, chẳng tin, chẳng hiểu. Dù họ chẳng hỏi, chẳng tin, chẳng hiểu kinh này, nhưng khi ta được Vô-Thượng Bồ-Đề, phải dùng sức thần thông trí huệ để dẫn dắt họ, làm cho họ được trụ trong pháp này, từ từ giải thoát tất cả khổ cho đến cứu kính thành Phật.

* PHẨM TÙNG ĐỊA DŨNG XUẤT THỨ MƯỜI LĂM :

        Trong pháp hội có các vị Bồ Tát từ dưới đất vọt lên trên hư không ngồi trên tòa sư tử, các vị này được Phật giáo hóa ở cõi Ta Bà trồng các cội lành thành tựu đạo Bồ Tát. Các vị Bồ Tát này xin Phật cho ở lại cõi Ta Bà để truyền tụng, hộ trì Kinh Pháp Hoa nhưng Phật lắc đầu và nói :"Thôi đi ! Không cần !" Bởi vì Tri Kiến Phật không phải tìm ở đâu khác mà chính ở trong tâm thanh tịnh của mỗi chúng sanh; nếu chúng sanh nào biết chuyển tâm mình từ mê thành giác tức là đã ngộ nhập Tri Kiến Phật rồi !

        Phật Thích Ca ở cõi Ta Bà giáo hóa vô lượng vô biên Bồ Tát và quyến thuộc của Bồ Tát, số lượng chẳng thể dùng thí dụ toán số để biết được. Tất cả đều từ dưới đất hiện ra là dụ cho sức dụng vô biên của tự tánh.

        Nếu người nào theo đúng pháp tu hành thì sức dụng vô biên của tự tánh tất sẽ được tự hiện nơi tâm địa.

        Bốn đạo sư trong vô lượng ức quốc độ chúng Bồ Tát hiệu là Thượng Hạnh, Vô Biên Hạnh, Tịnh Hạnh, An Lập Hạnh đều là hạnh môn phương tiện do Phật thiết lập. Chúng sanh y theo phương tiện ấy mà hành thì được hiển lộ Phật huệ thị hiện ra sức tự tại thần thông, sức lực sư tử mạnh nhanh, sức oai thế mạnh lớn của tự tánh.

* PHẨM NHƯ LAI THỌ LƯỢNG THỨ MƯỜI SÁU  :

        Nói về tuổi thọ của Phật là vô cùng lớn. Tuy nhiên Phật lại dùng phương tiện "Chẳng diệt độ mà nói diệt độ" để răng dạy cho các chúng đệ tử sau này không sanh tâm lười biếng, buông lung không chịu tu hành để được Chánh Đẳng Chánh Giác ! Kinh kể lại câu chuyện có một ông thầy thuốc giỏi có rất đông con cái, một hôm mấy đứa con ông uống nhầm thuốc độc sanh ra ngã bệnh; thấy vậy ông mới đưa thuốc hay cho mấy đứa con uống để giải độc, nhưng chỉ có một vài đứa uống còn những đứa khác thì không chịu uống ! Chúng nó nghĩ cha mình là thầy thuốc giỏi thì đâu cần gì phải lo ? Thấy vậy ông mới nghĩ ra một cách là đi qua xứ khác và cho người về báo lại là ông đã chết ! Lúc này mấy người con của ông mới chịu lấy thuốc ra uống và ngay đó bệnh lại được lành. Khi đó ông thầy thuốc trở về thấy các con đều được lành bệnh trong lòng rất vui mừng vì đã cứu các con mình thoát chết ! Tuy ông nói dối là đã chết nhưng không mắc tội hư dối bao giờ ! ... Đức Phật của chúng ta cũng vậy ! Từ khi thành Phật đến nay đã vô lượng vô biên trăm nghìn muôn ức na-do-tha a-tăng-kỳ kiếp thường còn chẳng mất, vì chúng sanh mới dùng sức phương tiện nói "Sẽ diệt độ" nhưng thật ra "Chẳng có diệt độ " bao giờ ! Cũng chẳng có lỗi hư dối bao giờ !

        Di Lặc Bồ Tát thay mặt đại chúng hỏi rằng :"Tại sao Phật Thích Ca đắc đạo chẳng được bao lâu mà đã giáo hóa được vô lượng Bồ Tát như phẩm trên ?"

        Phật đáp rằng :"Ta thành Phật đã trải qua vi trần kiếp, chẳng phải suy lường tính toán có thể biết được (phá khái niệm thời gian), thường giáo hóa ở cõi Ta-bà, đồng thời cũng dẫn dắt chúng sanh nơi vô lượng quốc độ (phá khái niệm không gian), quán xét căn khí lòng tin của họ mà tùy cơ hóa độ, tự nói danh hiệu tuổi tác chẳng đồng (phá khái niệm số lượng)".

        Tại sao vậy ? Vì Phật biết được tướng của tam giới vốn chẳng sanh tử, cũng không kẻ tại thế và diệt độ, phi thực, phi hư, chẳng đồng, chẳng khác. Không pháp nào chấp thật được.

* PHẨM PHÂN BIỆT CÔNG ĐỨC THỨ MƯỜI BẢY :

        Phật thuyết những ai nghe tuổi thọ của Phật dài lâu như thế, nhẫn đến có thể sanh một niệm tín giải, đặng công đức không thể hạn lượng được. Nếu có người thực hành được năm pháp Ba La Mật như: Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn, Thiền Định Ba La Mật thì công đức cũng không bằng người sanh niệm tín giải tuổi thọ của Phật ở trên ! Nếu người trì Kinh Pháp Hoa này mà còn thực hành được sáu pháp Lục Độ Ba La Mật thì công đức người đó không thể nghĩ bàn !

        Nghe Phật thuyết Phẩm Như-Lai Thọ-Lượng sanh một niệm tín giải, được công đức không thể hạn lượng. Nếu có người vì Vô-Thượng Bồ-Đề mà hành ngũ Ba-La-Mật, trừ Bát-Nhã Ba-La-Mật, trong tám mươi muôn ức na-do-tha kiếp, đem công đức này sánh với công đức tín giải trên thì trăm ngàn muôn ức phần chẳng bằng một, huống là kẻ y theo pháp mà thọ trì. Nên vô số Đại Bồ Tát của mười phương thế giới nghe xong liền được ngộ nhập, y theo căn lực của họ mà hiển hiện vô biên đại dụng của tự tánh. Nếu muốn phân biệt công đức, thật chẳng thể kể xiết.

* PHẨM TÙY HỶ CÔNG ĐỨC THỨ MƯỜI TÁM  :

        Phật thuyết người nghe được Kinh Pháp Hoa sanh lòng tùy hỷ (vui theo), khuyên người khác tụng niệm kinh ... đến người thứ 50, thì công đức của người đó còn hơn người đem của bố thí sáu đường chúng sanh (Địa ngục, Ngạ quỷ, Xúc sanh, Người, Trời, A tu la) trong bốn loài sanh (Noãn, Thai, Thấp, Hóa sanh) và làm cho tất cả chúng sanh trong sáu đường đó đều đặng quả A La Hán. Nếu ngồi trong chỗ giảng pháp, nhường chia chỗ cho người khác vào cùng nghe thì cũng được hưởng phước báo lành: được ngồi chỗ của Trời Đế Thích hoặc Phạm Vương hoặc Chuyển Luân Thánh Vương ... Hoặc rủ những người khác cùng nghe cũng được nhiều phước báo khác như được trí huệ và căn tánh lanh lợi ...

        Nếu có người vì cầu phước báo mà bố thí vật chất cần dùng hằng ngày và vàng bạc thất bảo trong thời gian tám mươi năm, cho bốn trăm vạn ức A-tăng-kỳ thế giới chúng sanh, sau lại dạy họ tu hành, tất cả đều chứng được quả A-La-Hán, công đức vô lượng vô biên ấy, nhưng cũng không bằng công đức nghe kinh rồi tùy hỷ chuyển dạy của người thứ năm mươi. Tại sao vậy ? Vì cầu phước là thuộc pháp hữu vi. Công đức dù lớn đến mức nào, nhưng phước ấy vẫn còn có số lượng, trải qua thời gian lâu sẽ hưởng hết. Còn nghe kinh tùy hỷ, theo pháp tu hành thì được chứng Phật quả, siêu việt số lượng, phước đức vĩnh viễn không hết được.

* PHẨM PHÁP SƯ CÔNG ĐỨC THỨ MƯỜI CHÍN :

        Phật thuyết người nào thọ trì Kinh Pháp Hoa này thì công đức nơi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý của người đó có những công năng kỳ diệu không thể nghĩ bàn !

        Thọ trì đọc tụng, biên chép giải thích, theo pháp tu hành đúng như kinh này thì được công đức của lục căn viên mãn, cho đến thần thông trí huệ, diệu dụng vô biên, cứu kính thành Phật.

        Pháp sư đã được công đức của lục căn viên mãn, dùng tâm vô sở úy thuyết kinh này, thì dùng nhục nhãn có thể thấy tất cả sắc tướng trong tam thiên đại thiên thế giới; dùng phàm nhĩ có thể nghe tất cả âm thanh; dùng phàm tỷ có thể ngửi tất cả mùi hương; dùng phàm thiệt có thể nếm tất cả thực vật không kể thơm thúi, đắng chát, tốt xấu, bất cứ thức ăn nào cũng biến thành thượng vị. Thân thể thanh tịnh như lưu ly, tất cả sắc tướng, âm thanh trong đại thiên thế giới đều được hiển hiện trong thân thể, ý căn thanh tịnh thì thực tướng của các pháp đều được thấu đạt, nên có thể dùng muôn ngàn lời nói khéo léo tùy cơ thuyết pháp khiến cho chúng sanh thích nghe kinh, được dễ hiểu mà hoan hỷ, tín thọ, phụng hành.

* PHẨM THƯỜNG BẤT KHINH BỔ TÁT THỨ HAI MƯƠI :

       Phật thuyết thuở xưa Phật là Bồ Tát "Thường Bất Khinh", bất cứ khi gặp ai cũng chắp tay nói rằng: "Tôi không dám khinh các ngài, các ngài rồi sẽ thành Phật !". Trong số những Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, có người khinh chê và còn đánh đập Bồ Tát "Thường Bất Khinh"... Vì vậy sau này họ phải chịu nhiều khổ não ở Địa ngục A-Tỳ, 200 ức kiếp thường chẳng gặp Phật, chẳng nghe Pháp, chẳng thấy Tăng !

        Thường Bất Khinh Bồ Tát là Tỳ Kheo trong thời tượng pháp của Phật Oai Âm Vương, chẳng đọc tụng kinh điển mà chuyên hạnh lễ bái, tán thán, để đối trị tứ chúng tăng thượng mạn. Dù thường bị người nhục mạ, thậm chí bị họ dùng gậy đánh, dùng ngói đá liệng, cũng chẳng nổi sân, còn lớn tiếng tán thán rằng :"Ta chẳng dám khinh các Ngài vì các Ngài đều sẽ làm Phật".

        Đây cũng là một pháp môn trì kinh (phá ngã chấp) cứu kính được thành Phật. Nếu có người ác khẩu chửi mắng, phỉ báng kẻ trì kinh, tất phải chịu tội báo lớn. Cũng như kinh nói : Ngàn kiếp đọa Vô-Gián địa-ngục, hai trăm ức kiếp chẳng được nghe Phật-pháp".

* PHẨM NHƯ LAI THẦN LỰC THỨ HAI MƯƠI MỐT :

        Phật và các Đức Phật trong pháp hội bày tướng lưỡi rộng dài phóng vô lượng tia sáng đủ màu sắc, soi khắp cả cõi nước trong mười phương. Chứng minh lời Phật nói trong Kinh Pháp Hoa này là không bao giờ sai.

        Phật hiện đại thần lực, bày tướng lưỡi rộng dài, phóng vô lượng quang, đều là sức dụng bất khả tư nghì của tự tánh, là để tán thán kẻ thọ trì kinh này và tăng cường lòng tin cho họ, khiến họ quyết chí theo đúng pháp tu hành thì sức dụng của tự tánh mới được hiển hiện.

* PHẨM CHÚC LỤY THỨ HAI MƯƠI HAI :

        Phật khuyên các vị Bồ Tát rằng :"Nếu ở đời vị lai có thiện nam tử, thiện nữ nhơn nào tin Trí-Huệ của Như-Lai, thời phải vì đó diễn nói Kinh Diệu Pháp Liên Hoa này ! Các ông nếu làm được như vậy thời là đã báo được ơn của các Đức Phật !"

        Phật phó chúc vô lượng Đại Bồ Tát cần phải nhứt tâm truyền bá pháp Vô-Thượng Bồ-Đề này, để phổ biến cho tất cả chúng sanh đều được lợi ích của Phật pháp.

* PHẨM DƯỢC VƯƠNG BỔ TÁT BỒN SỰ THỨ HAI MƯƠI BA (PHÁ SẮC ẤM) :

        Phật kể lại câu chuyện :"Dược Vương Bồ Tát khi xưa là Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Bồ Tát đốt cánh tay của mình để cúng dường Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức Phật, sau đó tay bị đứt được hoàn sinh trở lại". Phật nói rằng :"Nếu có người đem bảy thứ báu đầy cả cõi Tam Thiên Đại Thiên cúng dường nơi Phật, cùng Đại Bồ Tát, Duyên Giác, A La Hán; công đức người đó đặng chẳng bằng người thọ trì Kinh Pháp Hoa, nhẫn đến một bài kệ bốn câu, phước của người này rất nhiều !". Sau đó Phật tán thán Kinh Pháp Hoa này lợi ích vô cùng, tột bực vô cùng, không có Kinh gì sánh bằng ! ... Làm cho chúng sanh xa rời tất cả khổ, tất cả bệnh tật đau đớn, có thể mở sự trăn trói của tất cả sanh tử !

        Nhất thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Bồ Tát (tiền thân Dược Vương Bồ Tát) nghe Phật Nhựt Nguyệt Tịnh Minh Đức thuyết Kinh Pháp Hoa liền ham tập khổ hạnh, tinh tấn tu hành, được hiện nhứt thiết sắc thân tam muội. Trước dùng vật chất cúng dường Phật, sau nghĩ chẳng bằng lấy thân cúng dường, liền dùng sức nguyện thần thông mà tự thiêu thân, ánh sáng chiếu khắp tám mươi ức hằng hà sa số thế giới. Chư Phật trong đó đồng thời tán thán rằng :"Đó là chơn thật tinh tấn gọi là chơn pháp cúng dường Như-Lai".

        Trí Giả Đại Sư (Tổ thứ ba tông Thiên Thai bên Trung Hoa) đọc đến câu này liền được chứng ngộ.

        Đây tỏ rõ "ngộ pháp vô sanh" (phá hết ngã chấp) mới được gọi là "chơn pháp cúng dường". Cũng như kinh nói :"Ư chư thí trung, tối tôn tối thượng", chẳng phải dùng tất cả vật chất khác bố thí mà có thể so sánh bằng.

        "Ta xả bỏ hai tay (dụ cho pháp tương đối) ắt sẽ được thành Phật". Nên nói :"Dùng thất bảo đầy đại thiên thế giới để cúng Phật, chẳng bằng thọ trì tứ cú kệ của Kinh này !".

* PHẨM DIỆU ÂM BỔ TÁT THỨ HAI MƯƠI BỐN (PHÁ THỌ ẤM) :

        Phật kể về Ngài Diệu Âm Bồ Tát ở cõi nước Tịnh Quang Trang Nghiêm cúng dường mười muôn ức kỷ nhạc và 84.000 bát bảy báu cho Đức Vân Lôi Âm Vương Phật nên mới có được thần thông tam muội : hiện các thứ thân hình, nơi nơi vì hàng chúng sanh nói kinh điển này. Tam muội đó tên là "Hiện Nhứt Thiết Pháp Thân". Nếu chúng sanh đáng dùng thân hình Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật ... liền hiện thân hình Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật ... mà vì đó nói pháp.

        Nơi quốc độ Tịnh Quang Trang Nghiêm có một vị Bồ Tát tên là Diệu Âm, bạch với Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí muốn đến cõi Ta-bà cúng dường Phật Thích Ca, nghe Kinh Pháp Hoa (Việc này là để tăng cường lòng tin của chúng sanh đối với kinh này) và gặp Văn Thù Bồ Tát. Phật nói :"Thân ông bốn mươi hai nghìn do tuần (Do tuần có ba thứ : bốn mươi dặm, sáu mươi dặm, tám mươi dặm). Thân ta sáu trăm năm mươi muôn do tuần, còn thân Phật cõi Ta-bà thì rất nhỏ. Ông đến cõi ấy chớ nổi ý khinh bỉ". (Thân Phật vốn chẳng có lớn nhỏ, thân của chúng sanh cũng như vậy).

* PHẨM PHỒ MÔN THỨ HAI MƯƠI LĂM (PHÁ TƯỞNG ẤM) :

        Phật thuyết :"Thiện nam tử ! Nếu có vô lượng trăm nghìn muôn ức chúng sanh chịu các khổ não, nghe Quán Thế Âm Bồ Tát này một lòng xưng danh. Quán Thế Âm Bồ Tát tức thời xem xét tiếng tăm kia, đều đặng giải thoát !"(Niệm Quán Thế Âm Bồ Tát chính là trở về bản tâm thanh tịnh của mình thì tất cả tham, sân, si đều được diệt hết; không còn khổ não lo buồn mà lại được an vui hạnh phúc !).   Phật thuyết :"Nếu có người thọ trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, nhẫn đến một thời lễ lạy cúng dường, thời phước đức bằng với người thọ trì danh tự của sáu mươi hai ức hằng hà sa Bồ Tát, lại trọn đời cúng dường đồ ăn uống, y phục, giường nằm, thuốc thang ..."."Nếu có chúng sanh trong quốc độ nào đáng dùng thân Phật, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát ... đặng độ thoát, thời Quán Thế Âm Bồ Tát liền hiện thân Phật, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát ... mà vì đó nói pháp".

        Phổ môn là phổ biến thị hiện sức dụng thần thông của tự tánh.

        Vô Tận Ý Bồ Tát hỏi Phật :"Quán Thế Âm Bồ Tát vì nhân duyên gì tên là Quán Thế Âm ?"

        Phật bảo :"Nếu có vô lượng chúng sanh chịu các khổ não, nhứt tâm xưng danh (nhứt tâm là chẳng có niệm nào khác) thì sức dụng tự tánh Quán Thế Âm hiện ra, tất cả đều được giải thoát nên gọi là Quán Thế Âm, cũng gọi là tự tánh tự độ".

        Sức dụng của tự tánh được hiện ra thì vào lửa chẳng cháy, xuống nước chẳng chìm, dao chém chẳng đứt, thuốc độc chẳng giết được, ác quỉ chẳng hại được, lìa được tất cả tham sân si và tà kiến.

VỀ PHƯƠNG TIỆN TU HÀNH CỦA QUÁN THẾ ÂM CÓ NĂM THỨ QUÁN :

        1. Chơn quán : là lập chơn để phá vọng. Trước tiên phải xoay cái tánh nghe trở về tự tánh, thoát lìa âm thanh (sở nghe). Sở nghe đã tiêu thì năng nghe cũng hết. Nên hai tướng động tịnh chẳng sanh, do đó sự dụng của lục căn dung thông lẫn nhau gọi là nhĩ căn viên thông cũng gọi là "phản văn văn tự tánh".

        2. Thanh tịnh quán : là dùng thanh tịnh để đối trị sự ô nhiễm của năng sở. Năng nghe sở nghe đã hết mà chẳng trụ nơi hết. Luôn cả tri giải về sự chẳng trụ cũng không.

        3. Từ quán : là độ cho chúng sanh được vui mà chẳng có năng độ gọi là Vô Duyên Từ.

        4. Bi quán : là độ cho chúng sanh lìa khổ mà chẳng có sở độ gọi là Đồng Thể Bi. Khi từ bi thể hiện thì ngã chấp đều sạch. Tình cảm thương mến phát huy đến cùng tột, cũng như ánh sáng chiếu khắp mọi chúng sanh trong pháp giới vũ trụ, chẳng có thiếu sót. Như vậy được Hòa Quang Đồng Một (Nhiều đèn cùng chung một ánh sáng) nên năng sở đều diệt.

        5. Quảng đại trí huệ quán : là trí huệ chiếu khắp pháp giới, quảng đại siêu việt số lượng. Tất cả năng sở, sinh diệt đều diệt thì tịch diệt hiện tiền, đây là thực tướng vĩnh viễn tồn tại cũng như phẩm Phương Tiện đã nói :"Chư pháp tùng bổn lai, thường tự tịch diệt tướng" vậy.

* PHẨM ĐÀ LA NI THỨ HAI MƯƠI SÁU (PHÁ HÀNH ẤM) :

        Các vị Dược Vương Bồ Tát, Dõng Thí Bồ Tát, Tỳ Sa Môn Thiên Vương, Trì Quốc Thiên Vương, Mười La Sát Nữ tụng chú Đà La Ni để ủng hộ cho những Pháp Sư thọ trì, đọc tụng, biên chép, giảng nói, tu hành Kinh Pháp Hoa này làm cho đặng an ổn, lìa các sự khổ hoạn, tiêu các thuốc độc v.v...

        Dược Vương Bồ Tát hỏi Phật :"Người thọ trì Kinh Pháp Hoa được bao nhiêu phước ?"

       Phật bảo :"Nếu có người cúng dường tám trăm muôn ức na-do-tha hằng hà sa số chư Phật, dù được phước nhiều nhưng cũng chẳng bằng cái phước của người thọ trì một tứ cú kệ của kinh này, đọc tụng, giải nghĩa, đúng như pháp mà tu hành". Nên Dược Vương Bồ Tát bạch Phật thuyết chú để bảo hộ kẻ thuyết pháp và trì kinh; kế đó Dũng Thí Bồ Tát, Tỳ Sa Môn Thiên Vương, Trì Quốc Thiên Vương và mười La Sát nữ v.v... đều ở nơi trước Phật lập nguyện thuyết chú để bảo hộ Pháp sư và kẻ trì kinh.

        Phẩm này bảo đảm cho người chân thực tu hành được an toàn, chẳng sợ tà ma nhiễu loạn.

        "Chú" là biểu thị cho mệnh lệnh và sức dụng của tự tánh. Người chân thật tu hành thì sức dụng của tự tánh tự hiện, mà được chư Phật (tự tánh Phật) hộ niệm, chớ chẳng phải do đọc chú mới được bảo hộ.

* PHẨM DIỆU TRANG NGHIÊM VƯƠNG BỒN SỰ THỨ HAI MƯƠI BẢY (PHÁ THỨC ẤM) :

        Phật kể lại câu chuyện :"Thuở xưa ở trong pháp hội của Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí có một vị Vua tên là Diệu Trang Nghiêm, phu nhân của vua tên là Tịnh Đức, và hai người con trai tên là Tịnh Tạng, Tịnh Nhãn. Hai người con này có sức thần thông lớn, phước đức trí huệ lớn, từ lâu tu tập đạo hạnh của Bồ Tát như : Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn, Thiền Định, Trí Tuệ Ba La Mật, phương tiện Ba La Mật, từ bi hỷ xả, nhẫn đến ba mươi bảy phẩm trợ đạo, pháp thảy đều rành rẽ suốt thấu, lại được các môn tam-muội của Bồ Tát v.v... Lúc bấy giờ, Đức Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí vì muốn dẫn dắt Vua Diệu Trang Nghiêm và thương tưởng đến hàng chúng sanh nên mới thuyết giảng Kinh Pháp Hoa. Khi đó hai người con của Vua đến xin Mẫu Hậu để xuất gia, Bà Mẹ mới nói rằng : "Cha của các con từ lâu tin theo ngoại đạo, không dễ gì ưng thuận. Các con nên thương tưởng Cha của các con mà vì đó hiển pháp thần thông, làm cho cha của các con đổi ý mà tin theo Phật pháp". Lúc đó hai người con của Vua mới dùng thần thông bay lên hư không, từ thân nhỏ hiện ra thân lớn, ẩn nơi này rồi hiện nơi kia, đi trên nước như trên đất liền ... hiện các biến thần thông như thế làm cho Vua Cha kinh ngạc và tin hiểu Phật pháp. Bấy giờ Vua Cha vui mừng đặng chưa từng có, hỏi hai người con rằng : "Thầy của các con là ai ?". Hai người con thưa rằng :"Thầy chúng con là Đức Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí đang ngồi trên pháp tòa dưới cây Bồ Đề bằng bảy báu đang rộng nói Kinh Pháp Hoa". Vua Cha liền nói :"Ta nay cũng muốn ra mắt Thầy các con, nên cùng nhau đồng đi !". Khi đó Vua, Hoàng Hậu, hai người con trai cùng với tám mươi bốn ngàn người thân cận của Vua đi đến chỗ Phật nghe Kinh Pháp Hoa. Sau đó Vua được Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí thọ ký sau này sẽ thành Phật hiệu là Ta La Thọ Vương, nước tên Đại Quang. (Như vậy : Vua Diệu Trang Nghiêm được thành Phật là do công lao của hai người con trai dùng sức phương tiện, khéo hóa độ Vua Cha như thế khiến cho lòng Vua Cha tin hiểu ưa mến Phật pháp). Sau cùng Phật bảo đại chúng :"Vua Diệu Trang Nghiêm nay chính là Hoa Đức Bồ Tát, còn Bà Tịnh Đức nay chính là Quang Chiếu Trang Nghiêm Tướng Bồ-Tát, còn hai người con nay chính là Dược Vương Bồ Tát và Dược Thượng Bồ Tát".

                                                  * Theo duy thức học :

                              + Tịnh Tạng biểu trưng cho Ý-thức (Thức thứ sáu)

                              + Tịnh Nhãn biểu trưng cho Tiền-ngũ-thức (Ngũ căn)

                              + Phu nhân Tịnh Đức biểu trưng cho Mạt-na (Thức thứ bảy)

                              + Vua Diệu Trang Nghiêm biểu trưng cho Tàng-thức A-lại-da (Thức thứ tám)

 

                              * Người tu Phật phải chuyển bát-thức thành tứ-trí, nghĩa là :

 

                              + Ý-thức chuyển thành Diệu-Quang-Sát-Trí.

                              + Tiền-ngũ-thức chuyển thành Thành-Sở-Tác-Trí.

                              + Mạt-na chuyển thành Bình-Đẳng-Tánh-Trí.

                              + Tàng-thức chuyển thành Đại-Viên-Cảnh-Trí.

          Muốn chuyển thức thứ tám (Tàng-thức : chứa chủng tử thiện và ác) thì phải nhờ ý thức và tiền ngũ thức mới chuyển được. Khi thức thứ tám chuyển thì thức thứ bảy cũng sẽ chuyển theo.

          Thức thứ tám là chủ nhân ông, khi được chuyển thì thành Phật trước thức thứ sáu và tiền ngũ thức. Trong duy thức học gọi là :"Khứ hậu lai tiên tác chủ ông".

          Diệu Trang Nghiêm Vương đã tin ngoại đạo và nhập tà-kiến đã lâu, nhưng quá khứ từng gieo trồng thiện căn, hột giống chín mùi, nên được sanh hai đứa con làm Thiện-tri-thức cho mình, dẫn dắt bỏ tà về chánh, liền được Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí thọ ký tương lai sẽ làm Phật hiệu là Ta La Thọ Vương.

          Phẩm này chứng tỏ nhân quả rõ ràng, đã gieo chánh nhân rồi ắt sẽ thành chánh quả. Dù sanh nơi nhà tà-kiến, nhưng thiện nhân chủng tử cũng chẳng thối mất.

* PHẨM PHỒ HIỀN BỔ TÁT KHUYẾN PHÁT THỨ HAI MƯƠI TÁM :

          Phật thuyết :"Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhơn thành tựu bốn pháp : Thứ nhất : Được các Đức Phật hộ niệm; Thứ hai : Trồng các cội công đức; Thứ ba : Vào trong chánh định; Thứ tư : Phát lòng cứu tất cả chúng sanh;  thời sau khi Như-Lai diệt độ sẽ đặng Kinh Pháp Hoa này. Liền đó Bồ Tát Phổ Hiền mới phát nguyện rằng :"Thế Tôn ! Năm trăm năm sau trong đời ác trược, nếu có người thọ trì kinh điển này, con sẽ giữ gìn trừ các sự khổ hoạn, làm cho đặng an ổn mà thọ trì, đọc tụng, biên chép, giảng nói ... Con sẽ cỡi voi trắng sáu ngà cùng chúng Đại Bồ Tát đến chỗ người đó hiện thân ra cúng dường an tâm người đó, cùng để cúng dường Kinh Pháp Hoa". Phật thuyết :"Nếu có người thọ trì, đọc tụng, giải nghĩa kinh này, người đó khi mạng chung được nghìn Đức Phật trao tay, khiến chẳng sợ sệt, chẳng đọa vào đường dữ, liền lên cung Trời Đâu Suất, chỗ Di Lặc Bồ Tát mà sanh vào hàng quyến thuộc; còn nếu biên chép kinh này thì khi mạng chung sẽ sanh lên Trời Đao Lợi !". Sau rốt, Bồ Tát Phổ Hiền khuyến phát : "Thế Tôn ! Năm trăm năm sau trong đời ác trược, hàng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, người cầu tìm, người thọ trì, người đọc tụng, người biên chép mà muốn tu tập Kinh Pháp Hoa này, thời trong hai mươi mốt ngày phải một lòng tinh tấn; mãn hai mươi mốt ngày rồi, con sẽ cỡi voi trắng sáu ngà cùng vô lượng Bồ Tát dùng thân mà tất cả chúng sanh ưa thấy, hiện nơi trước người đó để vì nói pháp, chỉ dạy cho lợi ích vui mừng, cũng lại cho chú Đà La Ni ... Đặng chú Đà La Ni này rồi thời không có phi nhơn nào có thể phá hoại được !".

+ Ý của phẩm này cũng là muốn cho người trì Kinh được tăng cường lòng tin và khiến họ được an ổn để chuyên tâm tu hành.

  • Nói tóm lại, Phật vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện trên đời, thuyết pháp bốn mươi chín năm, giảng kinh hơn ba trăm hội, thiết lập phương tiện tám mươi bốn ngàn pháp môn, chỉ muốn khai thị cho chúng sanh ngộ nhập Tri Kiến Phật . Nếu chúng ta biết trở về với bản tâm chân thật của chính mình và hằng sống với nó thì chúng ta đã ngộ nhập Tri Kiến Phật rồi ! ...

    ____________________________________________________________________________________

     Phần Giải Thích :  

    * Tứ Vô Lượng Tâm :

    + Đại Từ : ban vui cho người và tất cả mọi loài chúng sanh.

    + Đại Bi  : cứu khổ cho người và tất cả mọi loài chúng sanh.

    + Đại Hỷ : vui theo cái vui của người.

    + Đại Xả : buông bỏ, không nên chấp điều gì cả.

     

    * Ngũ Đình Tâm Quán (Năm phương pháp quán tưởng để dừng vọng tâm) :

    + Quán Sổ Tức : đối trị bệnh tán loạn của tâm trí.

    + Quán Bất Tịnh : đối trị lòng tham sắc dục.

    + Quán Từ Bi : đối trị lòng sân hận.

    + Quán Nhân Duyên : đối trị lòng si mê.

    + Quán Vô Thường : đối trị lòng tham lam.

    (Ngoài ra còn phương pháp Quán Giới Phân Biệt để đối trị chấp ngã)

     

    * Ngũ Minh (Năm điều mà một vị truyền bá Phật pháp cần có) :

    + Nội Minh : Kiến thức về nội điển Phật Giáo.

    + Nhân Minh : Biết dùng lập thuyết bằng “Nhân”truy cứu đến lý do.

    + Thanh Minh : Trình độ phiên dịch các ngôn ngữ và trước tác.

    + Công Xảo Minh : Có trình độ Kỹ thuật, Công Nghệ.

    + Y Phương Minh : Hành nghề y.

     

    * Lục Độ Ba La Mật :

    + Bố Thí : gồm có Tài-thí (nội tài và ngoại tài), Pháp-thí và Vô-úy thí.

    + Trì Giới : giữ giới luật trong sạch.

    + Nhẫn Nhục : nhẫn nhịn, chịu đựng đến cùng tột (Thân + Khẩu + Ý)

    + Tinh Tấn : siêng năng, chuyên cần bất thối chuyển.

    + Thiền Định : tập trung tâm ý cho được vắng lặng, thanh tịnh.

    + Trí Huệ : thể tánh sáng suốt soi sáng sự vật một cách thấu đáo tinh tường.

    * Lược Giải Tứ Quả của Thừa Thanh Văn :

    * Sơ Quả Tu-Đà-Hoàn : người đã dứt hết tất cả kiến hoặc tam giới, vì chưa dứt được tư hoặc (tư tưởng mê lầm) của dục giới nên còn phải sanh cõi dục giới bảy lần, dịch là Nhập-Lưu (Nhập vào dòng Thánh).

    * Nhị Quả Tư-Đà-Hàm : người đã dứt được sáu phẩm tư hoặc trước của dục giới, còn ba phẩm sau chưa dứt được nên phải sanh lại cõi dục giới một lần nữa, dịch là Nhất-Lai.

    * Tam quả A-Na-Hàm : người đã dứt thêm được ba phẩm sau (nghĩa là dứt hết chín phẩm tư hoặc của dục giới) không trở lại sanh nơi cõi dục giới nữa, (chỉ sanh ở cõi sắc giới và vô sắc giới) dịch là Bất-Lai.

    * Tứ Quả A-La-Hán : người đã dứt hết tất cả kiến hoặc và tư hoặc của tam giới, đã ra khỏi phần đoạn sanh tử chẳng thọ sanh nơi lục đạo, dịch là Bất-Sanh.

    Vào Đây => Nghe Hòa Thượng Thích Thanh Từ Giảng Kinh Pháp Hoa .

  • Free Web Hosting